65,88% trong tổng số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra: Xô ngã các giá trị đạo đức của dân tộc
VHO- Theo báo cáo của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Trẻ em cần được trang bị thêm kỹ năng để phòng, chống bị xâm hại Ảnh: ĐÀO ANH
Những con số đáng báo động trên cho thấy thực trạng đáng lo ngại về tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là khi một số gia đình lại là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ.
Khi một số gia đình đã không còn là nơi an toàn nhất với trẻ
Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 27.5, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng gia đình là nơi ấm áp nhất, an toàn nhất, quyết định phần lớn nhân cách của trẻ em nhưng hiện nay một số gia đình không còn là chỗ dựa an toàn của trẻ. “Theo báo cáo, những trẻ em bị xâm hại do người thân trong gia đình gây ra chiếm đến 65,88% trong tổng số vụ bạo lực trẻ em. Khi tìm hiểu chúng tôi được biết hầu hết các gia đình này đều nghèo, trình độ văn hóa thấp, không hiểu biết về pháp luật, sống tách biệt với môi trường xung quanh, ít có mối quan hệ với cộng đồng; chính quyền địa phương, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thiếu sâu sát nên đã để xảy ra nhiều vụ xâm hại, bạo hành trẻ em gây hậu quả rất thương tâm”, đại biểu Công nói và đề ra 4 giải pháp góp phần bảo vệ trẻ em trong đó có việc xây dựng gia đình an toàn, làm chỗ dựa tinh thần, định hình nhân cách cho trẻ.
Nêu lên thực trạng đau lòng khi trẻ em những tưởng được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì lại có những trường hợp bà đang tâm giết cháu, mẹ cha giết con, ông và cha thay nhau hãm hiếp con cháu, thầy cô xâm hại học trò… đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cho rằng, có 3 môi trường chăm sóc giáo dục, bảo vệ trẻ em là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó với môi trường gia đình, cần phải có biện pháp giám sát chặt chẽ trách nhiệm ông bà, người thân, đồng thời bản thân trẻ phải được giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại, có hình phạt thật nặng đối với các người thân thiếu trách nhiệm. “Cần sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, nên có quy định giáo dục tiền hôn nhân cho các cặp đôi đăng ký trước kết hôn để biết rõ trách nhiệm trong chăm sóc con cái, sự nhẫn nại khi chung sống, hạn chế nạn ly hôn trở thành mốt, trở thành dịch, trở thành phong trào bất chấp sự tổn thương cho con trẻ, góp phần tăng nguy cơ trẻ thiếu an toàn về mọi mặt”, đại biểu Mai nhấn mạnh.
Nêu lên vấn đề xâm hại tình dục trẻ em mà đối tượng thực hiện là những người có quan hệ thân thích, ruột thịt với nạn nhân, cá biệt có trường hợp trẻ em bị chính ông, cha mình xâm hại, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) trăn trở: “Đây là một hiện tượng rất đáng báo động, xô ngã các giá trị đạo đức của dân tộc, làm phai mờ luân lý của con người mà các vụ việc chỉ được sáng tỏ khi chính những người trong cuộc lên tiếng kêu cứu hoặc can đảm đứng ra chấn chỉnh những hành vi phạm tội”.
Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại Trường Tiểu học Bắc Lý 2, Hà Nam
Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể
Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Qua các báo cáo cho thấy một thực trạng là chưa bao giờ mối nguy cơ cho trẻ em lại chính từ nơi tưởng như bình yên nhất trong xã hội, điều đó thể hiện sự tha hóa, biến chất, mất tính người của một bộ phận trong xã hội chúng ta. Điều đó cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết pháp luật và sự thờ ơ, vô cảm của không ít cán bộ, nhân dân trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Điều đó cũng cho thấy còn một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Cũng cho rằng để xảy ra thực trạng đau lòng trên có trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể các địa phương, đại biểu Lưu Thành Công đề nghị bổ sung và khẳng định rõ thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là ở xã, thôn trong việc xây dựng gia đình an toàn, tăng cường quan tâm nhiều hơn nữa đối với các gia đình yếu thế, hình thành những gia đình lành mạnh, an toàn để bảo vệ tốt nhất trẻ em.
Cùng chung quan điểm với 2 đại biểu trên, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng một số Bộ, ngành, địa phương được giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng có lúc nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ. Triển khai thực hiện việc phòng, chống xâm hại trẻ em còn chưa thường xuyên, chưa quyết liệt. “Bố trí tổ chức cán bộ và kinh phí còn thấp so với quy định và yêu cầu thực tế. Kinh tế thị trường, công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế bên cạnh mặt tích cực vẫn tiềm ẩn không ít nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo vệ trẻ em. Thời gian qua, do chưa có nhiều chính sách, biện pháp về kinh tế - xã hội, pháp luật đồng bộ, hữu hiệu để khắc phục hạn chế này. Xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tinh vi, bất thường, đa phần người bị xâm hại tuổi còn nhỏ, nhiều vụ việc mặc dù được người thân phát hiện nhưng vẫn không tố giác, sợ bị kỳ thị, sợ ảnh hưởng đến trẻ em, đến gia đình làm cho cơ quan, tổ chức chức năng rất khó phát hiện, khó điều tra xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và địa phương không chỉ ít về số lượng, chưa thật phù hợp với thời điểm mà còn đạt hiệu quả chưa cao trong việc phát hiện, xử lý khó khăn, vướng mắc, vi phạm”, đại biểu Lượng bày tỏ quan điểm.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Thủ tướng giao Bộ VHTTDL tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn; giáo dục trẻ em gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Hướng dẫn gia đình các biện pháp khắc phục, phòng, chống tình trạng cha mẹ, người thân xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; ưu tiên xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em cấp xã, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. |
THU SÂM